Đôi nét về làng rèn Phúc Sen
Xã Phúc Sen bao gồm 10 thôn xóm với hơn 400 hộ dân và hơn 2.000 nhân khẩu, phần lớn là bà con người Nùng, thường được nhìn thấy trong bộ trang phục màu chàm đặc trưng. Con đường chính ở đây đã được đổ bê tông, nhưng mô hình nhà sàn và lối sinh hoạt của người dân vẫn được giữ nguyên vẹn.
Tầng 1 vừa làm xưởng rèn, vừa để máy cày, kho lúa ngô... Tầng trên được ngăn bằng những cây gỗ và ván sàn xẻ mộc, bàn thờ ở trung tâm, xung quanh là bếp nấu, nơi tiếp khách, chỗ ngủ... Dù một số ngôi nhà khang trang mọc lên song vẫn xây dựng theo lối kiến trúc cũ.
Nghề rèn ở Phúc Sen đã có từ hơn 1.000 năm về trước, được kế tục từ thế hệ này sang thế hệ khác đến tận ngày nay. Hiện có khoảng 150 lò rèn gia đình, phân bố đều ở 6 xóm: Phia Chang trên, Phia Chang dưới, Ðầu Cọ, Pác Rằng, Tình Ðông và Lũng Vài, tạo nên làng rèn Phúc Sen nổi tiếng.
Đặc biệt hơn cả là những người thợ ở đây chỉ rèn thủ công, đa phần dựa vào kinh nghiệm lâu năm, từ cách chọn nguyên liệu, cách tôi luyện thép cho đến áp dụng bí quyết riêng để làm ra các sản phẩm như: dao, kéo, cuốc, liềm... có chất lượng tốt, được người dân lao động tin dùng.
Ghé thăm làng rèn Phúc Sen
Băng qua cung đường hùng vĩ dẫn lên huyện vùng cao Quảng Uyên, ngay lập tức hiện ra trước mắt bạn là đoạn đường dài 2km được bày bán nhiều loại công cụ bài trí bắt mắt, đón du khách đến làng rèn Phúc Sen. Vào làng, dễ thấy dường như ở đâu cũng có các lò than rực hồng, tung tóe những đốm hoa lửa sau những nhát búa, nhát đe dứt khoát.
Người bán hàng ở đây rất thân thiện, vui vẻ, không chặt chém. Nếu bạn đỗ xe ở nhà này mà sang nhà khác mua sản phẩm thì chủ nhà vẫn tươi cười vì toàn làng xóm, họ hàng với nhau cả. Họ cũng nhiệt tình chiêu đãi và kể chuyện làng cho bạn nghe, đó là những chuyện nghề với niềm tự hào của người con làng rèn truyền thống.
Ghé thăm làng rèn Phúc Sen vào những tháng cuối năm, bạn sẽ có dịp nhìn thấy khung cảnh tất bật khi những lò rèn vào mùa với các đơn hàng của người dân quanh vùng và nhiều tỉnh thành khác như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nội, Nghệ An... mới thấy mức độ ưa chuộng của sản phẩm nơi đây.
Qua những câu chuyện của người thợ lâu năm, bạn chắc hẳn sẽ biết thêm được nhiều điều thú vị về cái nghề rèn lắm vất vả này. Đi qua nhiều năm tháng, làng nghề rèn Phúc Sen vẫn giữ được dáng vẻ truyền thống và những nét văn hóa nổi bật của người Nùng. Việc bảo tồn phong tục lối sống và nghề truyền thống này đã khiến làng rèn Phúc Sen trở thành điểm đến ấn tượng với du khách thập phương khi du lịch Cao Bằng.