Lán Khuổi Nặm nằm cách hang Pác Bó khoảng 1km. Con đường vào lán ngày trước chỉ là một lối mòn heo hút, cheo leo, ngày nay đã được mở rộng hơn và lát đá để đi lại dễ dàng. Các khe núi trên con đường dẫn vào lán ngày trước rậm rạp um tùm, hoang sơ giờ đây đã được thay thế bằng những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau chạy ngược về phía rừng xa. Muốn đến lán Khuổi Nậm, du khách phải đi qua 2 di tích là hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu. Lán Khuổi Nặm - Cao Bằng

Hang Slí Điếng là một hang đá nhỏ ở gần đường đi, là nơi từng được Bác và các cán bộ sử dụng làm hòm thư liên lạc bí mật. Các công văn, chỉ thị, báo cáo, thư từ ... được để ở một vị trí quy định trong hang, và cứ theo thời gian quy định trước đó thì có người đến lấy hoặc gửi tài liệu. Nhờ phương pháp này mà liên lạc luôn thông suốt, liên tục và bí mật. Gần đó khoảng 100m là hang Diêm Tiêu. Hang này tọa lạc trên một vách đá khá cao, phía trước được bao phủ bởi cây cối, cỏ dại um tùm nên rất kín đáo. Do đó, Bác Hồ đã chọn làm nơi cất giấu tài liệu bí mật trong suốt thời gian hoạt động ở đây.

Lán Khuổi Nặm - Cao Bằng

Lán Khuổi Nặm nằm ngay ở cửa rừng, bên dòng suối nhỏ, dưới gốc cây sum sê. Cái tên Khuổi Nặm khá đặc biệt, theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là suối nước. Nó được đặt với ý nghĩa mô tả đặc điểm nơi dựng lán là có dòng suối chảy qua. Căn lán nhỏ làm theo phong cách nhà sàn của người Tày, rộng khoảng 12m2, mái lợp tranh, vách được ken bằng lá cáp tao (một loại cây rừng, lá gần giống lá dừa). Sàn được lát bằng những khúc cây rừng. Một tấm ván được kê trên sàn làm bàn làm việc của Bác. Theo ghi chép lịch sử, ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Bác đã chọn Pác Bó làm nơi ở và làm việc. Lúc đầu, từ cuối tháng 1 đến tháng 3-1941, Bác ở tại hang Pác Bó. Đến cuối tháng 3-1941, Bác chuyển sang ở lán Khuổi Nặm. Đây là nơi Bác Hồ ở lâu nhất. Và để đảm bảo an toàn của Người, các đồng chí cán bộ đã làm thêm hai cái lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III) ở gần đó. Nhìn chung lán Khuổi Nặm khá kín đáo, khi có động thì rút ngược theo suối Khuổi Nặm lên đến mốc 108 là sang đất Trung Quốc an toàn. Đến tháng 5-1945 Bác mới dời về chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang) để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945.

Lán Khuổi Nặm - Cao Bằng

Giống như Hang Pác Pó, lán Khuổi Nặm đã ghi lại hình bóng thân thương của Người những năm tháng Người ở đây hoạt động Cách mạng. Hơn thế nữa, chính tại nơi có căn lán nhỏ bé, đơn sơ, giản dị này đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng. Cũng tại đây, Bác đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1-8-1941.

 

Tin tức tiêu biểu
  • Khám phá núi “Mắt thần”- thác Nặm Trá (Trà Lĩnh)
    Khám phá núi “Mắt thần”- thác Nặm Trá (Trà Lĩnh)
    Nép mình trong thung lũng thuộc địa phận xóm Bản Danh, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), núi “Mắt thần” - thác Nặm Trá cách Hồ Thang Hen khoảng 2 cây số, nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vỹ, nguyên sơ, trở thành một điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch thập phương.
  • Huyền thoại về đèo Mã Phục
    Huyền thoại về đèo Mã Phục
    Nằm ở miền Bắc Việt Nam, Cao Bằng từ lâu đã nổi tiếng với những thắng thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hùng vĩ, được tạo hóa ưu ái ban tặng. Một trong số đó, không thể không nhắc đến đó là đèo Mã Phục. Bên cạnh vẻ đẹp ngoạn mục của con đèo, nhiều du khách tới đây còn vì sự tò mò về câu chuyện truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn xung quanh nó.
  • Thác Bản Giốc - Cao Bằng
    Thác Bản Giốc - Cao Bằng
    Nếu ai đã đến cao bằng thì chắc chắn không thể quên được vẻ đẹp kỳ vỹ và hữu tình của thác Bản Giốc. Nhiều người ví thác Bản gốc giống như một người con gái đẹp kiêu kỳ, mang nét kiêu sa quyến rũ. Phải chăng vì thế mà nơi này đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Cao Bằng
Copyright vietsen.net
Top